Thứ Bảy, 21 tháng 3, 2015

Tiềm Năng Dược Liệu Việt

17:29

TIỀM NĂNG DƯỢC LIỆU TẠI AN GIANG
Dược sĩ CKI Lê Thị Xuân Lê

An Giang là một tỉnh thuộc miền Tây Nam Bộ nên đặc điểm thổ nhưỡng và hệ thực vật giống với các tỉnh đồng bằng Nam Bộ khác. Ngoài ra, An Giang còn được thiên nhiên ưu đãi có vùng Bảy Núi với hệ thực vật và động vật khá phong phú, là nơi thường được người dân trong tỉnh và ngoài tỉnh đến khai thác cây, con làm thuốc.
Năm 1981 Sở Y tế An Giang (lúc đó là Ty Y tế) được sự hỗ trợ của Phân viện Dược liệu thành phố Hồ Chí Minh và một số cơ quan, đoàn thể trong tỉnh đã tổ chức đoàn điều tra dược liệu tiến hành điều tra dược liệu tại vùng Bảy Núi gồm hai huyện Tri Tôn và Tịnh Biên.
Sau một tháng thực địa và thu thập mẫu, đoàn điều tra dược liệu đã thu được kết quả như sau :
Đã phát hiện được 350 loài cây dùng làm thuốc trong đó số cây trồng là 137 loài chiếm tỉ lệ 39,1%, số cây mọc hoang là 213 loài chiếm tỉ lệ 60,9%. Nếu xếp theo hệ thống phân loại thực vật thì 350 loài cây này thuộc 98 họ thực vật khác nhau, họ có số loài nhiều nhất là họ Thầu dầu (Euphorbiaceae) gồm 22 loài, kế đến là họ Cúc (Asteraceae) gồm 20 loài.
Đối với 35 cây trị 7 bệnh và chứng thông thường, vùng Bảy Núi có 18 cây chiếm tỉ lệ 51,4%. Các cây đó là : Bạc hà, Cúc hoa vàng, Sả, Gừng, Bồ công anh, Ké đầu ngựa, Sài lan, Hương phụ, Ngãi cứu, Húng chanh, Hoắc hương, Riềng, Mơ lông, Mức hoa trắng, Cỏ sữa, Cỏ mực, Cỏ xước, Lá lốt.
Tuy còn thiếu một số cây nhưng vùng Bảy Núi lại có một số cây thuốc khác cùng tác dụng có thể thay thế hoặc dùng cây thuốc ở các huyện đồng bằng trong tỉnh bổ sung để đảm bảo trị được các bệnh và chứng thông thường cho người dân địa phương.
Qua điều tra đã phát hiện tại vùng Bảy núi có những cây thuốc rất giá trị như:
- Mã tiền: dân địa phương gọi là cây Củ chi, tên khoa học là Strychnos nux vomica L. Họ Mã tiền (Loganiaceae).
- Huyết giác: dân địa phương gọi là cây Trầm dứa, tên khoa học là Pleomele cochinchinensis Merr. Họ Hành tỏi (Liliaceae).
- Bình vôi: dân địa phương gọi là Ngãi tượng, tên khoa học là Stephania sp. Họ Phòng kỉ (Menispermaceae).
- Thiên niên kiện: dân địa phương gọi là Thần phục, tên khoa học là Homalomena aromatica Schott. Họ Ráy (Araceae).
- Tô mộc: dân địa phương gọi là cây Vang, tên khoa học là Caesalpinia sappan L. Họ Vang (Caesalpiniaceae).
- Mức hoa trắng: còn gọi là Thừng mực, tên khoa học là Holarrhena antidysanterica Wall. Họ Trúc đào (Apocynaceae).
- Bổ cốt toái: đây là thân rễ của ba loài Ráng bay tên khoa học là Drynaria quercifolia L., Drynaria fortunei J. Sm., Drynaria bonii Christ. Họ Bổ cốt toái (Lepidopteridaceae).
- Sa nhân: tên khoa học là Amomum sp. Họ Gừng (Zingiberaceae).
- Chân chim: tên khoa học là Schefflera octophylla (Lour.) Harms. Họ Ngũ gia bì (Araliaceae).
- Hoàng đằng: tên khoa học là Fibraurea sp. Họ Phòng kỉ (Menispermaceae).
- Ba gạc: tên khoa học là Rauwolfia cambodiana Pierre ex Pitt và Rauwolfia littoralis Pierre ex Pitt Họ Trúc đào (Apocynaceae)….
Ngoài thực vật, ở vùng Bảy Núi còn có nhiều loại động vật làm thuốc như Khỉ, Rắn, Trăn, Tắc kè, Ve sầu....
Sau điều tra Ty Y tế An Giang có đề xuất với các cấp chính quyền địa phương lúc đó phương hướng, biện pháp bảo vệ, tái sinh, phát triển nguồn dược liệu ở vùng Bảy Núi nhưng không được quan tâm nên đến nay nguồn dược liệu này nhất là các loài có giá trị hầu như cạn kiệt thậm chí không còn thấy nữa.
Tuy nhiên kết quả điều tra dược liệu cũng cho thấy khí hậu và thổ nhưỡng của vùng Bảy Núi phù hợp với sinh thái và phát triển của cây thuốc kể cả một số cây thuốc quí như đã nêu ở trên. Ngoài ra, với độ cao trên 700m của Núi Cấm còn có thể di thực một số cây thuốc thích hợp với khí hậu ôn đới mở ra hướng cho việc nuôi trồng và phát triển cây thuốc tại tỉnh nhà theo mục tiêu phát triển nguồn dược liệu của tỉnh như đã nêu ở Đề án phát triển ngành Dược tỉnh An Giang giai đoạn 2011-2015 và định hướng đến năm 2020 được UBND tỉnh phê duyệt kèm theo Quyết định số 371/QĐ-UBND ngày 07/3/2011 như sau:
“Phát huy tiềm năng, thế mạnh về dược liệu, thuốc đông y và thuốc từ dược liệu, đẩy mạnh công tác quy hoạch, nuôi trồng và chế biến dược liệu, cụ thể:
- Quy hoạch, xây dựng các vùng nuôi trồng và chế biến dược liệu, tiến tới xây dựng được các vùng công nghiệp nuôi, trồng dược liệu, nhằm góp phần cung cấp đủ nguyên liệu cho các cơ sở chế biến dược liệu trong nước và xuất khẩu;
- Khai thác hợp lý dược liệu tự nhiên, bảo đảm lưu giữ, tái sinh và phát triển nguồn gen dược liệu theo tiêu chuẩn Thực hành tốt nuôi trồng, thu hái và sản xuất dược liệu của Tổ chức Y tế thế giới (GACP)”./.

*Ghi chú : Bài viết này sử dụng Tài liệu Điều tra dược liệu tỉnh An Giang tổ chức tại vùng Bảy núi năm 1981 của Ty Y tế An Giang.

Written by

We are Creative Blogger Theme Wavers which provides user friendly, effective and easy to use themes. Each support has free and providing HD support screen casting.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

 

© 2013 Phát Triển Nguồn Dược Liệu Sạch Và Phong Phú Tại Việt Nam. All rights resevered. Designed by Templateism

Back To Top