Thứ Bảy, 21 tháng 3, 2015

Để dược liệu vẫn là nền tảng của ngành Dược Việt Nam thời hội nhập

23:53

Để dược liệu vẫn là nền tảng của ngành Dược Việt Nam thời hội nhập
TS Cao Minh Quang, Thứ trưởng Bộ Y tế khai mac hội nghị và báo cáo
“Dược liệu là nền tảng của ngành Dược” đã là chủ trương của Bộ Y tế từ nhiều năm qua. Trong thời kỳ bao cấp, Dược liệu với Phong trào thuốc Nam đã khẳng định vị trí của nó đối với sự nghiệp Chăm sóc sức khoẻ nhân dân và bảo vệ Tổ quốc. Các bạn quốc tế luôn đánh gía cao những kết quả đã đạt được trong công tác dược liệu thông qua Chương trình Chăm sóc sức khoẻ ban đầu và Chương trình Thuốc thiết yếu Việt Nam. Gần đây, thành công của việc sản xuất thuốc sốt rét từ Thanh hao hoa vàng Việt Nam đã chứng minh là nếu biết tổ chức và có những giải pháp thích hợp, Dược liệu nước ta vẫn là con đường đưa ngành Dược nước ta đón đầu được trong hội nhập và nó sẽ vẫn là nền tảng của ngành Dược.
Hội nghị Dược liệu lần thứ 1 được tổ chức trọng thể tháng 3/2003 tại Hà Nội và đã triển khai được một số hoạt động nhưng chưa tạo được bước chuyển biến cơ bản của ngành Dược liệu nước ta. Hội nghị lần này, với tiêu đề “Phát triển dược liệu đến năm 2015 và tầm nhìn 2020” đòi hỏi chúng ta phải có sự phân tích thẳng thắn những vấn đề thực tiễn cấp bách đang đặt ra cho ngành Dược liệu để lựa chọn cho đúng những nội dung mang tính quyết định trong việc xác định: Ai làm, Làm gì và Làm như thế nào?
Những vấn đề thực tiễn hiện nay.
Công tác Dược liệu nước ta đang đứng trước những vấn đề sau:
1.     Cấp bách về chất lượng dược liệu. Báo chí nói nhiều đến vấn dề này và kết quả thanh tra của Bộ Y tế đã cho những số liệu cụ thể. Ngay từ năm 2002, GSTS Đỗ Tất Lợi, Chủ tịch Hội Dược liệu Việt nam (VIMAMES) đã tuyên bố;” Chúng ta không thể yên tâm vơi tình trạng chất lượng dược liệu như hiện nay” và tạp chí Cây thuốc quý liên tục nhiều năm  có các bài đề cập đến vấn đề này. Tình hình trên là sự vi phạm những quy định của Luật Bảo vệ sức khoẻ nhân dân. Còn trong hội nhập hiện nay, tình trạng trên đã cản trở sự phát triển bền vững chung của ngành Dược liệu, y học cổ truyền cũng như đối với riêng từng doanh nghiệp trong việc thực hiện GMP, đẩy mạnh xuất khâủ…
2.     Cấp bách về nguồn tài nguyên dược liệu. Cách làm vừa qua dẫn đến sự cạn kiệt  tài nguyên dược liệu (hiện nhập khẩu dược liệu là chủ yếu), gây tác động xấu đến môi trường.
3.     Cấp bách về hội nhập. Thông qua việc tham gia là thành viên của tổ chức IADSA (Intẻrnational Alliance of Dietary Health Supplement Asociations- 55 nước) và AAHSA (ASEAN Alliance of Health Suplement Asociations-6 nước) và những hoạt động hoà hợp quy chế trong khu vực, chúng ta thấy hội nhập đang đặt ra cho toàn ngành dược liệu những vấn đề bức bách phải giải quyết để hoặc sẽ phát triển hoặc vãn luôn tụt hậu như hiện nay.
Với yêu cầu “Phát triển dược liệu đến năm 2015 và tầm nhìn 2020”, trách nhiệm của chúng ta là  phải có được một cách nhìn nhận và giải quyết mới, khác hẳn trước đây. Theo đó, nhiều việc đã từng mất nhiều công sức và đầu tư như trưcớ đây sẽ trở nên đơn giản và có hiệu quả. Ví dụ:
-         Nếu chấp nhận kinh tế thị trường thì chúng ta phải từ bỏ cách làm duy ý chí trong việc xây dung quy hoạch nuôi trồng dược liệu, cách đầu tư cho Nghiên cứu khoa học, việc đầu tư cơ sở vật chất…như chúng ta đã làm. Ngược lại chính Doanh nghiệp sẽ tự phải giải quyết hoặc đề xuất để giải quyết.
-         Nếu chấp nhận hội nhập thì việc hài hoà về quy chế quản lý là quan trọng. Nhiều vấn đề cần được bàn đến trong việc chuyển đổi cách quản lý của chúng ta theo hướng hiệu quả, tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển và hội nhập.
Có vậy, chúng ta sẽ phải tập trung nguồn lực đáp ứng những ưu tiên mới để triển khai các công việc được lựa chọn nhằm phát triển công tác dược liệu có hiệu quả.
Vai trò của các thành phần trong
sự nghiệp phát triển dược liệu thời kỳ tới.
Doanh nghiệp là thành phần phải đối mặt với những vấn đề thực tiễn để tồn tại và phát triển. Chính Doanh nghiệp sẽ là người đề ra những bài toán về nghiên cứu khoa học, quy hoạch, đầu tư…và chịu trách nhiệm về hiệu quả của nó.
Tuy nhiên, trong hoàn cảnh hiện nay, Doanh nghiệp cũng cần khắc phục những yếu kém của minh và của ngành. Cụ thể là phải:
- Khắc phục tình trạng manh mún trong sản xuất, kinh doanh. Có thể đó là đặc điểm chung của nước ta. Ngay VASEP (Hiệp hội xuất nhập khẩu thuỷ sản) với mức xuất khẩu có thể tới 1 tỷ USD nhưng vẫn nhận thấy tình trạng sản xuất thuỷ sản nước ta là manh mún và là trở ngại lớn của ngành trong hội nhập kinh tế và phát triển.
- Tăng cường tính liên kết với nhau và trong tổ chức xã hội của mình là VIMAMES - Cần phải có các Doanh nghiệp “đầu đàn” để “khai thông” những con đường mới cho sự phát triển chung của ngành. Điều này Nhà nước và các ngành khác đang triển khai nhưng trong lĩnh vực dược nói chung và dược liệu nói riêng thì còn chậm và tự phát phát triển vẫn là chính.
Quản lý nhà nước (QLNN)
Cũng như trước đây, QLNN đối với công tác dược liệu là quản lý liên ngành. Trong hội nhập, vai trò liên ngành lại càng quan trọng. Nó đòi hỏi những đầu tư lớn, những hoạt động quy mô về Xúc tiến thương mại, dầu tư..và cả những vấn đề liên ngành mới của hội nhập đặt ra. Ví dụ như vấn đề SPS hay TBT (Hàng rào kỹ thuật thương mại)..Hội nhập đang đặt ra cho QLNN (mà chủ yếu là Bộ Y tế) yêu cầu nặng nề về nghiên cứu để hài hoà quy chế giữa các nước trong khu vực và thế giới trong lĩnh vực dược liệu. Quản lý liên ngành đòi hỏi phảỉ phát huy sự tham gia và hỗ trợ của các địa phương.
Một vấn đề quan trọng trong QLNN là vai trò của Bộ Y tế. Trước yêu cầu hiện nay, Bộ Y tế cần kiện toàn cơ quan quản lý nhà nước về Dược tại Bộ và địa phương. Dược liệu là những cây, con khoáng vật làm thuốc phòng và chữa bệnh (theo kinh nghiệm cổ truyền hay khoa học hiện đại) nên nhiều năm trước đây Vụ Dược chính, Vụ Quản lý Dược (tiền thân của Cục Quản lý Dược hiện nay) đã được trao trách nhiệm tham mưu cho Lãnh đạo Bộ trong lĩnh vực này. Cục Quản lý Dược Việt Nam cần hình thành Phòng quản lý Dược liệu.
Quan hệ giữa Doanh nghiệp và QLNN cần được tăng cường. Nếu xác định Doanh nghiệp là trung tâm cho bước phát triển tới thì QLNN  chính là người tạo hành lang pháp lý cho sự phát triển đó. Bộ Y tế là người bảo đảm sự cân đối giữa yêu cầu bảo vệ sức khoẻ nhân dân và phát triển kinh tế của ngành. Trong mối quan hệ này, VIMAMES có vai trò nhất định. Là một tổ chức xã hội nghề nghiệp nhưng yêu cầu  cấp bách hiện nay đòi hỏi VIMAMES chuyển tập trung hoạt động theo chức năng tổ chức nghề nghiệp của mình. Cụ thể:
- Gắn công tác phát triển Hội với việc tăng cường liên kết các doanh nghiệp thông qua việc hình thành các Chi hội trực thuộc TW Hội và các Hội Dược liệu địa phương.
- Làm tốt hơn nữa hợp tác quốc tế nhất là sự tham gia các tổ chức quốc tế IADSA và AAHSA mà mình là thành viên.
- Phát huy chức năng tư vấn của mình với:
     + Cơ quan QLNN (Bộ Y tế) về nội dung: tham gia xây dựng quy hoạch ngành, các văn bản QLNN đối với dược liệu, hài hoà quy chế khu vực ASEAN và giải quyết những vấn đề của hội nhập…
      + Doanh nghiệp trong việc đẩy mạnh Xúc tiến thương mại và đầu tư (phối hợp với Bộ Công thương, Phòng Thương mại công nghiệp..và các tổ chức phi chính phủ có liên quan); tham gia xây dung, tổ chức triển khai, đào tạo và giám sát việc thực thi các quy định về GAP, GACP…
Vai trò của sự điều hành
Xuất phát từ tiềm năng và yêu cầu cấp bách của công tác dược liệu, cần   nghiên cứu một phương thức điều hành tập trung và có hiệu quả. Chúng ta đã có kinh nghiệm qua việc phát triển sản xuất thuốc sốt rét từ Thanh hao hoa vàng. Khi đầu, chỉ là những nghiên cứu lẻ tẻ. Xuất phát từ nhu cầu cấp bách về thuốc sốt rét phòng chống dịch, Chính phủ đã có chủ trương và Bộ Y tế phối hợp với các Ngành có liên quan để phát triển sản xuất thuốc sốt rét. Nhiều việc được triển khai đồng bộ và chỉ sau 1 năm, sản lượng Artemisinin đã tăng gấp 10 lần (từ 220kg đến trên 2 tấn Artemisinin) và Việt nam trở thành nước thứ 2 trên thế giới về sản xuất Artemisinin. GSTS Nguyễn Văn Đàn, nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế đã nhận định “
Chưa có một dược liệu nào được phát triển quy mô như Thanh hao hoa vàng”.
Trong bối cảnh hiện nay, vai trò của sự điều hành càng quan trọng vì tầm vóc và tính phức tạp của vấn đề. Chúng tôi nghĩ, đã đến lúc, chúng ta cần đề xuất với Nhà nước xây dựng một Chương trình trọng điểm  quốc gia về phát triển dược liệu. Với Chương trình đó , công tác dược liệu sẽ được xem xét đúng tầm vóc của nó và đóng góp tích cực đưa ngành Dược nước ta phát triển bền vững.
 
DS Tạ Ngọc Dũng,
Tổng thư ký TW Hội Dược liệu Việt Nam (VIMAMES)
(Tham luận tại Hội nghị Dược liệu toàn quốc lần thứ 2
 ngày 26/10/2007tại  Tp HCM)

Written by

We are Creative Blogger Theme Wavers which provides user friendly, effective and easy to use themes. Each support has free and providing HD support screen casting.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

 

© 2013 Phát Triển Nguồn Dược Liệu Sạch Và Phong Phú Tại Việt Nam. All rights resevered. Designed by Templateism

Back To Top