Thứ Bảy, 21 tháng 3, 2015

Để dược liệu vẫn là nền tảng của ngành Dược Việt Nam thời hội nhập

Để dược liệu vẫn là nền tảng của ngành Dược Việt Nam thời hội nhập
TS Cao Minh Quang, Thứ trưởng Bộ Y tế khai mac hội nghị và báo cáo
“Dược liệu là nền tảng của ngành Dược” đã là chủ trương của Bộ Y tế từ nhiều năm qua. Trong thời kỳ bao cấp, Dược liệu với Phong trào thuốc Nam đã khẳng định vị trí của nó đối với sự nghiệp Chăm sóc sức khoẻ nhân dân và bảo vệ Tổ quốc. Các bạn quốc tế luôn đánh gía cao những kết quả đã đạt được trong công tác dược liệu thông qua Chương trình Chăm sóc sức khoẻ ban đầu và Chương trình Thuốc thiết yếu Việt Nam. Gần đây, thành công của việc sản xuất thuốc sốt rét từ Thanh hao hoa vàng Việt Nam đã chứng minh là nếu biết tổ chức và có những giải pháp thích hợp, Dược liệu nước ta vẫn là con đường đưa ngành Dược nước ta đón đầu được trong hội nhập và nó sẽ vẫn là nền tảng của ngành Dược.
Hội nghị Dược liệu lần thứ 1 được tổ chức trọng thể tháng 3/2003 tại Hà Nội và đã triển khai được một số hoạt động nhưng chưa tạo được bước chuyển biến cơ bản của ngành Dược liệu nước ta. Hội nghị lần này, với tiêu đề “Phát triển dược liệu đến năm 2015 và tầm nhìn 2020” đòi hỏi chúng ta phải có sự phân tích thẳng thắn những vấn đề thực tiễn cấp bách đang đặt ra cho ngành Dược liệu để lựa chọn cho đúng những nội dung mang tính quyết định trong việc xác định: Ai làm, Làm gì và Làm như thế nào?
Những vấn đề thực tiễn hiện nay.
Công tác Dược liệu nước ta đang đứng trước những vấn đề sau:
1.     Cấp bách về chất lượng dược liệu. Báo chí nói nhiều đến vấn dề này và kết quả thanh tra của Bộ Y tế đã cho những số liệu cụ thể. Ngay từ năm 2002, GSTS Đỗ Tất Lợi, Chủ tịch Hội Dược liệu Việt nam (VIMAMES) đã tuyên bố;” Chúng ta không thể yên tâm vơi tình trạng chất lượng dược liệu như hiện nay” và tạp chí Cây thuốc quý liên tục nhiều năm  có các bài đề cập đến vấn đề này. Tình hình trên là sự vi phạm những quy định của Luật Bảo vệ sức khoẻ nhân dân. Còn trong hội nhập hiện nay, tình trạng trên đã cản trở sự phát triển bền vững chung của ngành Dược liệu, y học cổ truyền cũng như đối với riêng từng doanh nghiệp trong việc thực hiện GMP, đẩy mạnh xuất khâủ…
2.     Cấp bách về nguồn tài nguyên dược liệu. Cách làm vừa qua dẫn đến sự cạn kiệt  tài nguyên dược liệu (hiện nhập khẩu dược liệu là chủ yếu), gây tác động xấu đến môi trường.
3.     Cấp bách về hội nhập. Thông qua việc tham gia là thành viên của tổ chức IADSA (Intẻrnational Alliance of Dietary Health Supplement Asociations- 55 nước) và AAHSA (ASEAN Alliance of Health Suplement Asociations-6 nước) và những hoạt động hoà hợp quy chế trong khu vực, chúng ta thấy hội nhập đang đặt ra cho toàn ngành dược liệu những vấn đề bức bách phải giải quyết để hoặc sẽ phát triển hoặc vãn luôn tụt hậu như hiện nay.
Với yêu cầu “Phát triển dược liệu đến năm 2015 và tầm nhìn 2020”, trách nhiệm của chúng ta là  phải có được một cách nhìn nhận và giải quyết mới, khác hẳn trước đây. Theo đó, nhiều việc đã từng mất nhiều công sức và đầu tư như trưcớ đây sẽ trở nên đơn giản và có hiệu quả. Ví dụ:
-         Nếu chấp nhận kinh tế thị trường thì chúng ta phải từ bỏ cách làm duy ý chí trong việc xây dung quy hoạch nuôi trồng dược liệu, cách đầu tư cho Nghiên cứu khoa học, việc đầu tư cơ sở vật chất…như chúng ta đã làm. Ngược lại chính Doanh nghiệp sẽ tự phải giải quyết hoặc đề xuất để giải quyết.
-         Nếu chấp nhận hội nhập thì việc hài hoà về quy chế quản lý là quan trọng. Nhiều vấn đề cần được bàn đến trong việc chuyển đổi cách quản lý của chúng ta theo hướng hiệu quả, tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển và hội nhập.
Có vậy, chúng ta sẽ phải tập trung nguồn lực đáp ứng những ưu tiên mới để triển khai các công việc được lựa chọn nhằm phát triển công tác dược liệu có hiệu quả.
Vai trò của các thành phần trong
sự nghiệp phát triển dược liệu thời kỳ tới.
Doanh nghiệp là thành phần phải đối mặt với những vấn đề thực tiễn để tồn tại và phát triển. Chính Doanh nghiệp sẽ là người đề ra những bài toán về nghiên cứu khoa học, quy hoạch, đầu tư…và chịu trách nhiệm về hiệu quả của nó.
Tuy nhiên, trong hoàn cảnh hiện nay, Doanh nghiệp cũng cần khắc phục những yếu kém của minh và của ngành. Cụ thể là phải:
- Khắc phục tình trạng manh mún trong sản xuất, kinh doanh. Có thể đó là đặc điểm chung của nước ta. Ngay VASEP (Hiệp hội xuất nhập khẩu thuỷ sản) với mức xuất khẩu có thể tới 1 tỷ USD nhưng vẫn nhận thấy tình trạng sản xuất thuỷ sản nước ta là manh mún và là trở ngại lớn của ngành trong hội nhập kinh tế và phát triển.
- Tăng cường tính liên kết với nhau và trong tổ chức xã hội của mình là VIMAMES - Cần phải có các Doanh nghiệp “đầu đàn” để “khai thông” những con đường mới cho sự phát triển chung của ngành. Điều này Nhà nước và các ngành khác đang triển khai nhưng trong lĩnh vực dược nói chung và dược liệu nói riêng thì còn chậm và tự phát phát triển vẫn là chính.
Quản lý nhà nước (QLNN)
Cũng như trước đây, QLNN đối với công tác dược liệu là quản lý liên ngành. Trong hội nhập, vai trò liên ngành lại càng quan trọng. Nó đòi hỏi những đầu tư lớn, những hoạt động quy mô về Xúc tiến thương mại, dầu tư..và cả những vấn đề liên ngành mới của hội nhập đặt ra. Ví dụ như vấn đề SPS hay TBT (Hàng rào kỹ thuật thương mại)..Hội nhập đang đặt ra cho QLNN (mà chủ yếu là Bộ Y tế) yêu cầu nặng nề về nghiên cứu để hài hoà quy chế giữa các nước trong khu vực và thế giới trong lĩnh vực dược liệu. Quản lý liên ngành đòi hỏi phảỉ phát huy sự tham gia và hỗ trợ của các địa phương.
Một vấn đề quan trọng trong QLNN là vai trò của Bộ Y tế. Trước yêu cầu hiện nay, Bộ Y tế cần kiện toàn cơ quan quản lý nhà nước về Dược tại Bộ và địa phương. Dược liệu là những cây, con khoáng vật làm thuốc phòng và chữa bệnh (theo kinh nghiệm cổ truyền hay khoa học hiện đại) nên nhiều năm trước đây Vụ Dược chính, Vụ Quản lý Dược (tiền thân của Cục Quản lý Dược hiện nay) đã được trao trách nhiệm tham mưu cho Lãnh đạo Bộ trong lĩnh vực này. Cục Quản lý Dược Việt Nam cần hình thành Phòng quản lý Dược liệu.
Quan hệ giữa Doanh nghiệp và QLNN cần được tăng cường. Nếu xác định Doanh nghiệp là trung tâm cho bước phát triển tới thì QLNN  chính là người tạo hành lang pháp lý cho sự phát triển đó. Bộ Y tế là người bảo đảm sự cân đối giữa yêu cầu bảo vệ sức khoẻ nhân dân và phát triển kinh tế của ngành. Trong mối quan hệ này, VIMAMES có vai trò nhất định. Là một tổ chức xã hội nghề nghiệp nhưng yêu cầu  cấp bách hiện nay đòi hỏi VIMAMES chuyển tập trung hoạt động theo chức năng tổ chức nghề nghiệp của mình. Cụ thể:
- Gắn công tác phát triển Hội với việc tăng cường liên kết các doanh nghiệp thông qua việc hình thành các Chi hội trực thuộc TW Hội và các Hội Dược liệu địa phương.
- Làm tốt hơn nữa hợp tác quốc tế nhất là sự tham gia các tổ chức quốc tế IADSA và AAHSA mà mình là thành viên.
- Phát huy chức năng tư vấn của mình với:
     + Cơ quan QLNN (Bộ Y tế) về nội dung: tham gia xây dựng quy hoạch ngành, các văn bản QLNN đối với dược liệu, hài hoà quy chế khu vực ASEAN và giải quyết những vấn đề của hội nhập…
      + Doanh nghiệp trong việc đẩy mạnh Xúc tiến thương mại và đầu tư (phối hợp với Bộ Công thương, Phòng Thương mại công nghiệp..và các tổ chức phi chính phủ có liên quan); tham gia xây dung, tổ chức triển khai, đào tạo và giám sát việc thực thi các quy định về GAP, GACP…
Vai trò của sự điều hành
Xuất phát từ tiềm năng và yêu cầu cấp bách của công tác dược liệu, cần   nghiên cứu một phương thức điều hành tập trung và có hiệu quả. Chúng ta đã có kinh nghiệm qua việc phát triển sản xuất thuốc sốt rét từ Thanh hao hoa vàng. Khi đầu, chỉ là những nghiên cứu lẻ tẻ. Xuất phát từ nhu cầu cấp bách về thuốc sốt rét phòng chống dịch, Chính phủ đã có chủ trương và Bộ Y tế phối hợp với các Ngành có liên quan để phát triển sản xuất thuốc sốt rét. Nhiều việc được triển khai đồng bộ và chỉ sau 1 năm, sản lượng Artemisinin đã tăng gấp 10 lần (từ 220kg đến trên 2 tấn Artemisinin) và Việt nam trở thành nước thứ 2 trên thế giới về sản xuất Artemisinin. GSTS Nguyễn Văn Đàn, nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế đã nhận định “
Chưa có một dược liệu nào được phát triển quy mô như Thanh hao hoa vàng”.
Trong bối cảnh hiện nay, vai trò của sự điều hành càng quan trọng vì tầm vóc và tính phức tạp của vấn đề. Chúng tôi nghĩ, đã đến lúc, chúng ta cần đề xuất với Nhà nước xây dựng một Chương trình trọng điểm  quốc gia về phát triển dược liệu. Với Chương trình đó , công tác dược liệu sẽ được xem xét đúng tầm vóc của nó và đóng góp tích cực đưa ngành Dược nước ta phát triển bền vững.
 
DS Tạ Ngọc Dũng,
Tổng thư ký TW Hội Dược liệu Việt Nam (VIMAMES)
(Tham luận tại Hội nghị Dược liệu toàn quốc lần thứ 2
 ngày 26/10/2007tại  Tp HCM)

Đưa dược liệu trở thành thế mạnh của ngành dược Việt Nam

Đưa dược liệu trở thành thế mạnh của ngành dược Việt Nam

Theo thống kê, trong năm 2012, doanh thu sản xuất thuốc từ dược liệu tại Việt Nam đạt 3.500 tỷ đồng (gấp hơn 1,75 lần so với doanh thu năm 2010). Trong số 20 loại dược liệu có nhu cầu dùng cho sản xuất thuốc lớn nhất năm 2011, Artiso đứng đầu danh sách với số lượng tiêu thụ lên tới 2000 tấn/năm, tiếp theo là Đinh lăng với hơn 900 tấn/năm…Như vậy, có thể nói dược liệu chính là nguồn nguyên liệu của nền công nghiệp tân dược trong tương lai, chứ không phải là nguồn nguyên liệu hóa dược mà chúng ta đang mất nhiều thời gian và công sức để theo đuổi trong nhiều năm qua. 
Đây là nhận định của TS. Trương Quốc Cường - Cục trưởng Cục Quản lý Dược - Bộ Y tế tại “Hội nghị xúc tiến đầu tư ứng dụng khoa học công nghệ phát triển sản xuất thuốc dược liệu trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh năm 2014: Đưa dược liệu trở thành thế mạnh của ngành dược Việt Nam”. 
Đa dạng chủng cây dược liệu song bị khai thác cạn kiệt 
VN có một hệ sinh thái phong phú và đa dạng, một tiềm năng lớn về tài nguyên cây dược liệu nói riêng và tài nguyên dược liệu (thực vật, động vật, khoáng vật) nói chung. Điều này thể hiện ở sự đa dạng về chủng loại cây dược liệu (trong số hơn 12.000 loài thực vật Việt Nam thì có gần 4.000 loài cho công dụng làm thuốc), vùng phân bố rộng khắp cả nước, có nhiều loài dược liệu được xếp vào loài quý và hiếm trên thế giới, như: Sâm ngọc linh, Sâm vũ diệp, Tam thất hoang, Bách hợp, Thông đỏ, Vàng đắng, Hoàng liên ô rô, Hoàng liên gai, Thanh thiên quỳ, Ba gạc Vĩnh Phú… 
Tiềm năng to lớn là vậy, song công cuộc bảo tồn và phát triển dược liệu ở nước ta cũng đang gặp phải một số hạn chế, khó khăn, đặc biệt là các vấn đề liên quan đến quy hoạch phát triển dược liệu, công tác bảo tồn và phát triển nguồn gen dược liệu, việc tiêu chuẩn hóa dược liệu, cũng như việc hiện đại hóa sản xuất thuốc từ dược liệu. 
ss
Có thể kể đến một số ví dụ điển hình như tình trạng nuôi trồng và khai thác dược liệu ở nước ta hiện nay còn tự phát, quy mô nhỏ dẫn đến sản lượng dược liệu không ổn định, giá cả biến động; 
Việc khai thác dược liệu quá mức mà không đi đôi với việc tái tạo, bảo tồn dược liệu đã dẫn đến số lượng loài cây dược liệu có khả năng khai thác tự nhiên còn rất ít (trên cả nước hiện chỉ còn khoảng 206 loài cây dược liệu có giá trị có thể khai thác tự nhiên), nhiều loài cây dược liệu quý hiếm trong nước đang đứng trước nguy cơ cạn kiệt; Dược liệu không được sản xuất theo quy trình, quy hoạch cụ thể; Việc áp dụng thành tựu của khoa học, công nghệ vào việc hiện đại hoá sản xuất thuốc từ dược liệu chưa được quan tâm đúng mức... 
Giá trị kinh tế lớn nhưng chưa đầu tư đúng mức 
Tại Việt Nam, theo kết quả điều tra, đánh giá tại một số vùng, nuôi trồng cây dược liệu có giá trị kinh tế to lớn hơn bất kỳ cây lương thực, thực phẩm nào (có thể thu nhập trên 100 triệu đồng/ha). 
Ví dụ, ở Sapa (tỉnh Lào Cai), việc thực hiện trồng cây Artiso giúp đem lại doanh thu khi trồng đến khi thu hoạch đạt khoảng 115 triệu đồng/vụ/năm. Ở Việt Yên (tỉnh Bắc Giang), mô hình trồng cây Kim Tiền Thảo là hướng mới trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng ở tỉnh và đã thực sự góp phần giảm nghèo cho người dân nơi đây. 
“Việc chưa có biện pháp quy hoạch được các nguồn dược liệu thành ngành nuôi trồng phát triển, cũng chính là chúng ta đang bỏ lỡ một mũi nhọn rất lớn có thể vừa góp phần chăm sóc sức khỏe, vừa cải thiện mạnh mẽ đời sống của nhân dân”, TS. Trương Quốc Cường nhấn mạnh. 
Để có thể nhanh chóng hội nhập, việc hiện đại hóa sản xuất thuốc từ dược liệu là yếu tố đóng vai trò then chốt. 
“Ví dụ điển hình là sâm Ngọc Linh. Mặc dù sâm Ngọc Linh là loại sâm có hàm lượng Saponin cao nhất, cao hơn Sâm Triều Tiên. Tuy nhiên, trong khi người Hàn Quốc với lợi thế về khoa học kỹ thuật từ lâu đã ứng dụng nhiều biện pháp nâng cao chất lượng, sản xuất được nhiều loại sản phẩm khác nhau từ Sâm Triều Tiên và mang lại lợi nhuận nhiều tỷ USD, thì cây Sâm Ngọc Linh ở nước ta mới chỉ đang trong giai đoạn nghiên cứu bước đầu. Tương tự như thế, cây Linh Chi Việt Nam có chất lượng không kém Linh chi Hàn Quốc, nhưng chưa phát huy triệt để được hiệu quả khám chữa bệnh cũng như hiệu quả kinh tế, cải thiện đời sống cho nhân dân” - TS. Trương Quốc Cường cho biết. 
Làm gì để đưa dược liệu trở thành thế mạnh của ngành Dược Việt Nam? 
Theo TS Trương Quốc Cường, VN cần quy hoạch nhiều vùng trồng dược liệu quy mô lớn trên cơ sở khai thác các vùng có lợi thế về điều kiện tự nhiên, thích hợp với sinh trưởng và phát triển của cây dược liệu; Phù hợp với nguồn nhân lực có khả năng tiếp thu kỹ thuật mới ứng dụng vào sản xuất dược liệu; Dựa vào lợi thế các vùng truyền thống của các cộng đồng miền núi của Việt Nam và các nghiên cứu của các nhà khoa học. 
Bên cạnh đó cần đẩy mạnh công tác bảo tồn và phát triển nguồn gen dược liệu. Để đảm bảo nguồn dược liệu chất lượng cao, cần đẩy mạnh triển khai thực hiện GACP (thực hành tốt trồng cây dược liệu (GAP) và thực hành tốt thu hái cây dược liệu hoang dã (GCP). 
Ngoài ra, cần xây dựng nhiều các Hồ sơ về dược liệu. Hiện Bộ Y tế đang triển khai xây dựng Danh mục 40 dược liệu có tiềm năng khai thác và phát triển thị trường để làm cơ sở trình Thủ tướng Chính phủ ban hành các chính sách hỗ trợ, đầu tư, khuyến khích phát triển dược liệu trong giai đoạn từ nay đến năm 2030. 
Với việc thực hiện tốt, đồng bộ các vấn đề nêu trên, chắc chắn chúng ta sẽ có nguồn dược liệu chất lượng tốt, góp phần tạo ra các sản phẩm có chất lượng cao, đảm bảo an toàn, hiệu quả cho người bệnh, hướng tới đưa dược liệu trở thành thế mạnh của ngành dược Việt Nam. 
Điều này cũng được thể hiện rất rõ trong Chiến lược quốc gia phát triển ngành Dược Việt Nam giai đoạn đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 (được ban hành theo Quyết định số 68/QĐ-TTg ngày 10/01/2014 của Thủ tướng Chính phủ): phát huy thế mạnh, tiềm năng của Việt Nam để phát triển sản xuất thuốc từ dược liệu, trong đó mục tiêu cụ thể đến năm 2020 là phấn đấu sản xuất được 20% nhu cầu nguyên liệu cho sản xuất thuốc trong nước, thuốc sản xuất trong nước chiếm 80% tổng giá trị thuốc tiêu thụ trong năm, trong đó thuốc từ dược liệu chiếm 30%

Chuỗi Giá Trị XANH của Traphaco


Ông Trần Túc Mã - TGĐ Cty CP Traphaco (bên trái) nhận quà của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang nhân dịp nhận Giải thưởng Thương hiệu Quốc gia 2014
(DĐDN) - Traphaco đã vượt lên lợi ích đơn thuần của một doanh nghiệp để thực hiện trách nhiệm chung, khai thác nguồn lợi quốc gia góp phần chăm sóc sức khỏe nhân dân, phát triển một ngành kinh tế hướng vào xuất khẩu, tạo việc làm và thu nhập cho hàng triệu nông dân nghèo.
Những ngày cuối năm, con ngõ nhỏ dẫn vào nhà Nguyễn Văn Lành ở thôn 12, xã Hải Toàn, huyện Hải Hậu đông hơn thường nhật bởi đây là thời vụ thu hoạch cây dược liệu đinh lăng và gia đình anh là một trong những đầu mối thu mua, sơ chế. Số tiền thu được từ bán đinh lăng đủ đảm bảo cho nhiều hộ nông dân có một cái Tết sung túc đang đến gần.
Cây... làm giàu
Gia đình anh Lành cũng là một trong những hộ nông dân thuộc tổ hợp tác trồng đinh lăng của xã Hải Toàn. Anh hồ hởi chia sẻ: Từ ngày được Traphaco tập huấn, trồng trọt theo tiêu chuẩn GACP, kiến thức trồng trọt của chúng tôi được mở rộng, cây phát triển tốt, năng suất chất lượng nâng lên rõ rệt, quan trọng hơn công ty đã cam kết với người nông dân thu mua cao hơn 10% so với giá thị trường nên bà con yên tâm sản xuất. Đinh lăng không đơn thuần là cây xóa đói giảm nghèo mà còn là cây làm giàu cho người nông dân trong xã. Với giá thu mua toàn bộ rễ, gốc, thân hiện tại từ 25- 27.000 đồng/kg, nếu trồng 1 sào, 3 năm sau cho thu nhập 45- 50 triệu đồng/sào. Trừ chi phí giống 2- 3 triệu và phân bón từ 500- 800 ngàn đồng/sào. Người nông dân trung bình lãi ròng 40- 45 triệu đồng/sào/1 năm (tương đương trên dưới 1 tỷ đồng/ha/1 năm).

Vùng trồng cây đinh lăng của Traphaco tại Hải Hậu, Nam Định 
Traphaco đã vượt lên lợi ích đơn thuần của một doanh nghiệp để thực hiện trách nhiệm chung, khai thác nguồn lợi quốc gia góp phần chăm sóc sức khỏe nhân dân, phát triển một ngành kinh tế hướng vào xuất khẩu, tạo việc làm và thu nhập cho hàng triệu nông dân nghèo.
 Hải Toàn là một trong những xã có diện tích đinh lăng lớn nhất huyện Hải Hậu. Tiếp chúng tôi tại UBND xã, ông Trần Khắc Lượng chủ tịch xã Hải Toàn cho biết: Cùng với chương trình nông thôn mới, chúng tôi đã xây dựng và phát triển làng nghề cây dược liệu đinh lăng và chọn 30 hộ làm nòng cốt. Hiện tại do 30 hộ dân đã tổ chức thành tổ sản xuất theo mô hình hợp tác xã nên về phía địa phương, xã đã tạo điều kiện cho các hộ này thuê diện tích đất chuyển đổi và vay vốn từ nguồn của ngân hàng chính sách với hạn mức 25-30 triệu đồng/hộ. Bản thân gia đình tôi hiện 3 sào đinh lăng. Xã Hải Toàn hiện đã phát triển được 10ha cây dược liệu đinh lăng. Dự kiến, toàn xã sẽ có 15ha vào năm 2017. Ông Mai Văn Quyết, Phó Chủ tịch UBND huyện Hải Hậu, thông tin với chúng tôi: Không chỉ là một trong những địa phương có thổ nhưỡng rất tốt mà Hải Hậu còn có giống đinh lăng lá nhỏ được các chuyên gia đánh giá có hàm lượng hoạt chất cao. Sau một thời gian dài phát triển tự phát, hiện Hải Hậu có 172ha cây đinh lăng. Để phát huy tiềm năng lợi thế của địa phương, chúng tôi đã xây dựng quy hoạch phát triển cây dược liệu đến năm 2020 và tầm nhìn 2030, xác định cây đinh lăng là một trong những cây dược liệu chủ lực. Trong đó, tập trung thúc đẩy chuỗi liên kết giữa bốn nhà: nhà nước- nhà khoa học - DN - nhà nông trên cơ sở kinh tế thị trường với vai trò trung tâm là doanh nghiệp. Với sự hợp tác của Công ty cổ phần Traphaco, chúng tôi tin rằng đây sẽ là “chìa khóa” để vùng dược liệu cây đinh lăng phát triển bền vững, mang lại giá trị kinh tế cao cho bà con nông dân.
Thực tế những năm gần đây, cùng với việc quy hoạch vùng trồng và cung cấp giống đinh lăng, Traphaco đã đầu tư nghiên cứu nâng cao chất lượng sản phẩm từ loại dược liệu này. Dự án “Hoàn thiện qui trình sản xuất viên nang mềm Cebraton” từ đinh lăng đã được đưa vào triển khai sản xuất lớn, góp phần phát triển thị trường và tăng cường khai thác nguồn dược liệu trong nước. Sau 2 năm thực hiện, dự án đã cho ra đời 10 triệu viên Cebraton, hoàn thiện qui trình chiết xuất và cô dịch chiết Đinh lăng, ứng dụng thành công công nghệ sấy phun để sản xuất cao khô Đinh lăng thay sấy điện truyền thống...

Dự án đồng thời kết hợp với dự án cơ sở “Nghiên cứu, phát triển bền vững nguồn dược liệu Traphaco” (Greenplan) của công ty để tổ chức đào tạo, vận động, hướng dẫn cho các hộ dân về kỹ thuật trồng, chăm sóc, thu hái dược liệu Đinh lăng theo Hướng dẫn GACP - WHO, đem lại những kết quả lớn về mặt kinh tế xã hội tới bà con vùng trồng dược liệu và ảnh hưởng tích cực đến con đường phát triển của dược liệu Việt Nam.
Những nỗ lực miệt mài của Trphaco đã được ghi nhận khi ngày 27/5/2014, 827 ha diện tích nuôi trồng và thu hái dược liệu tự nhiên cho 04 cây thuốc Actiso, bìm bìm biếc, rau đắng đất, đinh lăng của Traphaco đã được Cục Quản lý Y Dược Cổ truyền (Bộ Y tế) công nhận đạt tiêu chuẩn GACP-WHO. Traphaco trở thành DN dược đầu tiên tại miền Bắc nhận được chứng chỉ GACP-WHO cho vùng dược liệu, hoàn thiện chuỗi giá trị “xanh” mà Cty đang theo đuổi: từ nguồn nguyên liệu xanh, công nghệ xanh để tạo nên những sản phẩm xanh, góp phần phát triển nền kinh tế xanh.
Trong câu chuyện với chúng tôi, ông Mã luôn tự hào: Con đường dược liệu của Traphaco không chỉ xây bằng các kết quả nghiên cứu, mà bằng sự tận tâm cống hiến của hàng ngàn cán bộ công nhân viên của Traphaco, từ những cán bộ tham gia sản xuất luôn tuân thủ các quy trình nghiêm ngặt GMP đến những trình dược viên luôn mang trong mình khát vọng chinh phục và hướng tới khách hàng . Nhưng quan trọng hơn cả con đường của Traphaco được dẫn dắt bởi những nhà điều hành tâm huyết, không sợ thất bại; những người đã đặt niềm tin vào chính sách cũng như nỗ lực của toàn thể CBCNV Cty để xây nên con đường “sức khỏe xanh” cho Traphaco và cộng đồng. Đó cũng là con đường khác biệt để Traphaco trở thành DN dược số 1 Việt Nam

Tiềm Năng Dược Liệu Việt

TIỀM NĂNG DƯỢC LIỆU TẠI AN GIANG
Dược sĩ CKI Lê Thị Xuân Lê

An Giang là một tỉnh thuộc miền Tây Nam Bộ nên đặc điểm thổ nhưỡng và hệ thực vật giống với các tỉnh đồng bằng Nam Bộ khác. Ngoài ra, An Giang còn được thiên nhiên ưu đãi có vùng Bảy Núi với hệ thực vật và động vật khá phong phú, là nơi thường được người dân trong tỉnh và ngoài tỉnh đến khai thác cây, con làm thuốc.
Năm 1981 Sở Y tế An Giang (lúc đó là Ty Y tế) được sự hỗ trợ của Phân viện Dược liệu thành phố Hồ Chí Minh và một số cơ quan, đoàn thể trong tỉnh đã tổ chức đoàn điều tra dược liệu tiến hành điều tra dược liệu tại vùng Bảy Núi gồm hai huyện Tri Tôn và Tịnh Biên.
Sau một tháng thực địa và thu thập mẫu, đoàn điều tra dược liệu đã thu được kết quả như sau :
Đã phát hiện được 350 loài cây dùng làm thuốc trong đó số cây trồng là 137 loài chiếm tỉ lệ 39,1%, số cây mọc hoang là 213 loài chiếm tỉ lệ 60,9%. Nếu xếp theo hệ thống phân loại thực vật thì 350 loài cây này thuộc 98 họ thực vật khác nhau, họ có số loài nhiều nhất là họ Thầu dầu (Euphorbiaceae) gồm 22 loài, kế đến là họ Cúc (Asteraceae) gồm 20 loài.
Đối với 35 cây trị 7 bệnh và chứng thông thường, vùng Bảy Núi có 18 cây chiếm tỉ lệ 51,4%. Các cây đó là : Bạc hà, Cúc hoa vàng, Sả, Gừng, Bồ công anh, Ké đầu ngựa, Sài lan, Hương phụ, Ngãi cứu, Húng chanh, Hoắc hương, Riềng, Mơ lông, Mức hoa trắng, Cỏ sữa, Cỏ mực, Cỏ xước, Lá lốt.
Tuy còn thiếu một số cây nhưng vùng Bảy Núi lại có một số cây thuốc khác cùng tác dụng có thể thay thế hoặc dùng cây thuốc ở các huyện đồng bằng trong tỉnh bổ sung để đảm bảo trị được các bệnh và chứng thông thường cho người dân địa phương.
Qua điều tra đã phát hiện tại vùng Bảy núi có những cây thuốc rất giá trị như:
- Mã tiền: dân địa phương gọi là cây Củ chi, tên khoa học là Strychnos nux vomica L. Họ Mã tiền (Loganiaceae).
- Huyết giác: dân địa phương gọi là cây Trầm dứa, tên khoa học là Pleomele cochinchinensis Merr. Họ Hành tỏi (Liliaceae).
- Bình vôi: dân địa phương gọi là Ngãi tượng, tên khoa học là Stephania sp. Họ Phòng kỉ (Menispermaceae).
- Thiên niên kiện: dân địa phương gọi là Thần phục, tên khoa học là Homalomena aromatica Schott. Họ Ráy (Araceae).
- Tô mộc: dân địa phương gọi là cây Vang, tên khoa học là Caesalpinia sappan L. Họ Vang (Caesalpiniaceae).
- Mức hoa trắng: còn gọi là Thừng mực, tên khoa học là Holarrhena antidysanterica Wall. Họ Trúc đào (Apocynaceae).
- Bổ cốt toái: đây là thân rễ của ba loài Ráng bay tên khoa học là Drynaria quercifolia L., Drynaria fortunei J. Sm., Drynaria bonii Christ. Họ Bổ cốt toái (Lepidopteridaceae).
- Sa nhân: tên khoa học là Amomum sp. Họ Gừng (Zingiberaceae).
- Chân chim: tên khoa học là Schefflera octophylla (Lour.) Harms. Họ Ngũ gia bì (Araliaceae).
- Hoàng đằng: tên khoa học là Fibraurea sp. Họ Phòng kỉ (Menispermaceae).
- Ba gạc: tên khoa học là Rauwolfia cambodiana Pierre ex Pitt và Rauwolfia littoralis Pierre ex Pitt Họ Trúc đào (Apocynaceae)….
Ngoài thực vật, ở vùng Bảy Núi còn có nhiều loại động vật làm thuốc như Khỉ, Rắn, Trăn, Tắc kè, Ve sầu....
Sau điều tra Ty Y tế An Giang có đề xuất với các cấp chính quyền địa phương lúc đó phương hướng, biện pháp bảo vệ, tái sinh, phát triển nguồn dược liệu ở vùng Bảy Núi nhưng không được quan tâm nên đến nay nguồn dược liệu này nhất là các loài có giá trị hầu như cạn kiệt thậm chí không còn thấy nữa.
Tuy nhiên kết quả điều tra dược liệu cũng cho thấy khí hậu và thổ nhưỡng của vùng Bảy Núi phù hợp với sinh thái và phát triển của cây thuốc kể cả một số cây thuốc quí như đã nêu ở trên. Ngoài ra, với độ cao trên 700m của Núi Cấm còn có thể di thực một số cây thuốc thích hợp với khí hậu ôn đới mở ra hướng cho việc nuôi trồng và phát triển cây thuốc tại tỉnh nhà theo mục tiêu phát triển nguồn dược liệu của tỉnh như đã nêu ở Đề án phát triển ngành Dược tỉnh An Giang giai đoạn 2011-2015 và định hướng đến năm 2020 được UBND tỉnh phê duyệt kèm theo Quyết định số 371/QĐ-UBND ngày 07/3/2011 như sau:
“Phát huy tiềm năng, thế mạnh về dược liệu, thuốc đông y và thuốc từ dược liệu, đẩy mạnh công tác quy hoạch, nuôi trồng và chế biến dược liệu, cụ thể:
- Quy hoạch, xây dựng các vùng nuôi trồng và chế biến dược liệu, tiến tới xây dựng được các vùng công nghiệp nuôi, trồng dược liệu, nhằm góp phần cung cấp đủ nguyên liệu cho các cơ sở chế biến dược liệu trong nước và xuất khẩu;
- Khai thác hợp lý dược liệu tự nhiên, bảo đảm lưu giữ, tái sinh và phát triển nguồn gen dược liệu theo tiêu chuẩn Thực hành tốt nuôi trồng, thu hái và sản xuất dược liệu của Tổ chức Y tế thế giới (GACP)”./.

*Ghi chú : Bài viết này sử dụng Tài liệu Điều tra dược liệu tỉnh An Giang tổ chức tại vùng Bảy núi năm 1981 của Ty Y tế An Giang.

TRAPHACO và Phát Triển Vùng Dược Liệu Sạch Tại Việt Nam

Vùng dược liệu trồng đinh lăng
Cây đinh lăng là loại dược liệu không chỉ được dân gian ví như “nhân sâm của người nghèo” mà ở huyện Hải Hậu (Nam Định) loại cây này đang được xem là nhân tố thúc đẩy “nền kinh tế xanh” của địa phương khi trở thành nguồn nguyên liệu cho các công ty Dược phẩm.
Từ lâu, người Việt đã trồng cây đinh lăng trong vườn nhà và sử dụng rễ cây vào nhiều bài thuốc cổ truyền chữa bệnh rất hiệu quả. Đinh lăng hiện là cây dược liệu quý được trồng nhiều ở các tỉnh phía Bắc như Nam Định, Thái Bình, Bắc Giang, Hưng Yên, Hòa Bình…. Nhiều công ty Dược đã chú trọng quy hoạch phát triển loại cây này thành vùng nguyên liệu để khai thác làm thuốc.


Huyện Hải Hậu hiện đã phát triển được hơn 457 ha trồng cây dược liệu đinh lăng, tập trung nhiều nhất ở các xã Hải Hà và Hải Quang.




Vườn cây đinh lăng hơn 3 năm tuổi của ông Pham Hồng Khanh được Công ty Traphaco đầu tư giống và mua bao tiêu sản phẩm.


Người dân Hải Hậu làm sạch củ đinh lăng sau thu hoạch.


Công đoạn sấy củ đinh lăng ở gia đình anh Lâm Văn Tinh (xã Hải Hà, huyện Hải Hậu).


Gia đình anh Nguyễn Văn Thích (xã Hải Quang) sơ chế củ đinh lăng. Hiện gia đình anh nhận thái và phơi,
sấy sơ chế cho hơn 10 hộ gia đình chuyên canh trồng đinh lăng trước khi giao hàng cho công ty Traphaco.


Đinh lăng thái lát đạt tiêu chuẩn chế biến dược liệu.


Củ đinh lăng thái lát sau khi sấy được gia đình anh Lâm Văn Tinh bảo quản cẩn thận đợi tới đợt thu mua của công ty Traphaco.


Vào mùa thu hoạch đinh lăng, người dân còn tận dụng lá đinh lăng phơi khô
chế biến làm nước uống hoặc bán cho các cơ sở sản xuất thực phẩm làm nem.
Những năm gần đây tại huyện Hải Hậu (Nam Định) vùng dược liệu rộng hàng trăm ha đã phủ kín đinh lăng. Với chân đất màu mỡ, được phù sa bồi đắp, cây đinh lăng ở đây quanh năm xanh tốt. Sản phẩm đinh lăng trồng tại Hải Hậu cho nhiều chất dầu hơn so với các vùng đất khác. Hải Hậu hiện là 1 trong 2 huyện của tỉnh Nam Định được Công ty Dược phẩm Traphaco chọn thực hiện dự án: Phát triển dược liệu đinh lăng theo Hướng dẫn trồng trọt và thu hái cây thuốc theo tiêu chuẩn của Tổ chức Y tế thế giới (GACP-WHO).

Theo số liệu của Chi cục Thống kê huyện Hải Hậu, địa phương này hiện có 457 ha cây dược liệu đinh lăng. Mỗi năm, Hải Hậu xuất ra thị trường từ 1.500 - 2.000 tấn sản phẩm đinh lăng tươi bán cho các tiểu thương và Công ty Dược phẩm Traphaco. Trên địa bàn huyện có hơn 20 hộ thu mua, xuất bán đinh lăng. Với giá thu mua toàn bộ rễ, gốc, thân lá tại thị trường huyện hiện nay từ 20 – 25 nghìn đồng/kg, nếu trồng 1 sào, 2 năm sau cho thu nhập 30- 45 triệu đồng/sào; trừ giống và các chi phí người nông dân lãi ròng 19- 21 triệu đồng/ năm (tương đương 520- 580 triệu đồng/ha/1 năm). Vì vậy, đinh lăng đang được xem là “nền kinh tế xanh” của địa phương.

Để trồng và thu hái cây đinh lăng đảm bảo đúng theo tiêu chuẩn của GACP-WHO, Công ty Traphaco đã thường xuyên mở các lớp hướng dẫn kỹ thuật trồng và thu hái cây thuốc cho các hộ dân trồng đinh lăng trên địa bàn huyện. Theo ông Đỗ Trung Kiên, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hải Hậu cho biết, vùng nguyên liệu phát triển trồng đinh lăng dược liệu đã và đang là thế mạnh giúp đổi mới bộ mặt nông thôn mới, từng bước tiến tới xây dựng thương hiệu cây đinh lăng Hải Hậu với thị trường Thế giới.


Công đoạn chiết xuất củ đinh lăng ở công ty Traphaco.


Quy trình ép vỉ viên nhộng hoạt huyết dưỡng não được chiết xuất từ củ đinh lăng.


Kiểm tra chất lượng viên nang mềm Cebraton trước khi xuất xưởng.


Với vùng nguyên liệu dồi dào và ổn định từ Hải Hậu, sau 2 năm công ty Traphaco đã chế biến được 10 triệu viên nang mềm Cebraton.
Nhờ có vùng dược liệu cung cấp nguyên liệu ổn định ở huyện Hải Hậu, sau 2 năm Công ty Traphaco đã sản xuất được 10 triệu viên Cebraton hoạt huyết dưỡng não cung cấp cho thị trường trong và ngoài nước. Trong quá trình này, Traphaco đã đóng vai trò trung tâm kết nối hợp tác 4 nhà: nhà nước - nhà khoa học - nhà nông - nhà doanh nghiệp để mở rộng và phát triển bền vững vùng cung cấp dược liệu mà vùng dược liệu đinh lăng Hải Hậu là một ví dụ điển hình.

Con đường thuốc việt : thuốc thảo dược


Việt Nam có nguồn tài nguyên dược liệu vô cùng phong phú và đa dạng. Số loài cây thuốc theo dự đoán có thể lên đến trên 6.000 loài. Trong các loài cây thuốc hiện đã được công bố, nước ta có nhiều loài cây thuốc được xếp vào loài quý và hiếm trên thế giới như Sâm ngọc linh, Sâm vũ điệp, Tam thất hoang, bách hợp, thông đỏ…

Theo số liệu của Đề án “Quy hoạch tổng thể phát triển dược liệu giai đoạn từ nay đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030”, ở Việt Nam, có khoảng 50% dân số sử dụng dược liệu phục vụ chăm sóc sức khỏe. Nhu cầu sử dụng dược liệu trong nước ngày càng tăng và các doanh nghiệp ngày càng tham gia nhiều vào lĩnh vực sản xuất các sản phẩm từ dược liệu chăm sóc sức khỏe cộng đồng.

Trong khi đó, dược liệu Việt Nam ngày càng cạn kiệt do khai thác quá mức mà thiếu sự bảo tồn, nuôi trồng và khai thác dược liệu ở nước ta hiện nay còn tự phát, quy mô nhỏ, chưa có định hướng phát triển nên dẫn đến sản lượng dược liệu không ổn định, giá cả biến động. Nguồn dược liệu trong nước chỉ đáp ứng khoảng 10-20% nhu cầu, còn lại phải nhập khẩu chủ yếu từ Trung Quốc. Tuy nhiên, chất lượng dược liệu nhập khẩu khó quản lý, thường đối mặt với những nguy cơ như: không đạt về độ ẩm, hàm lượng hoạt chất hoặc có chưa chất nguy hại; nhóm dược liệu giả mạo thường được dùng là các dược liệu có hình dạng giống nhau hoặc dược liệu giả được trộn lẫn với được liệu thật và lấy tên dược liệu thật.

Trước tình hình đó, ngày càng nhiều doanh nghiệp trong và ngoài lĩnh vực Dược đã tự phát triển các vùng trồng dược liệu nhằm cung cấp cho thị trường hoặc để ổn định nguồn nguyên liệu công ty. Những năm gần đây, Công ty Cổ phần Traphaco nghiên cứu đầu tư xây dựng vùng dược liệu để chủ động sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm. Hiện tại, công ty đã tiến hành xây dựng vùng trồng các loại dược liệu sản xuất các sản phẩm chủ lực như Hoạt huyết dưỡng não – Cebraton, Boganic gồm có Đinh lăng, Bìm bìm, Actiso, Rau đắng đất theo tiêu chuẩn GACP WHO (trồng trọt và thu hái sạch cây thuốc) theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới. Công ty nghĩ đến giải pháp kết hợp với người dân, đầu tư xây dựng vùng nguyên liệu trên cơ sở 2 bên cùng có lợi. Công ty sẽ ứng vốn, đầu tư giống, kỹ thuật và bao tiêu hoàn toàn đầu ra sản phẩm cho người nông dân trên cơ sở hợp đồng ký kết.

Thành công trong việc phát triển vùng nguyên liệu đông dược, công ty Trapaco quyết tâm đầu tư mở rộng sản xuất sản phẩm đông dược theo hướng sản xuất xanh. Nhà máy sản xuất đông dược công nghệ cao tại Hưng Yên là một trong những cố gắng của Trapaco trên con đưòng thực hiện mục tiêu này. Sản xuất theo tiêu chuẩn công nghệ GMP – WHO, những sản phẩm thuốc đông dược của công ty hướng đến việc dễ sử dụng, dễ bảo quản và nâng cao hiệu quả điều trị nhờ chất lượng đảm bảo ổn định. Tuy nhiên để thực sự có thể cạnh tranh trên thị trường, Trapaco cũng đã mạnh dạn đầu tư cải tiến, phát huy sáng kiến để tiết giảm giá thành cho sản phẩm, phù hợp với thu nhập người Việt nam mà vẫn đảm bảo chất lượng.

Những cách làm cụ thể, phát huy thế mạnh của nền y học dân tộc, tạo ra những sản phẩm đông dược trên cơ sở nguồn phát triển nguồn dược liệu trong nước đã tạo cho Trapaco một vị thế mới. Trở thành một doanh nghiệp tiên phong trong thị trường đông dược với mức tăng trưởng hàng năm trên 20%. Trong khi Việt Nam đang hội nhập sâu rộng hiện nay, sự thành công của Trapaco là một sự khích lệ lớn với các doanh nghiệp dược trong nước trên con đường tìm kiếm thị phần.

Kinh doanh dược liệu hướng đi đầy tiềm năng

Kinh doanh dược liệu: Hướng đi đầy tiềm năng


Những vùng nuôi trồng, sơ chế, bảo quản dược liệu lớn, thậm chí là “siêu dự án” của các DN dược trong nước liên tục được mở rộng, nâng công suất. Một hướng đầu tư đầy tiềm năng mà DN dược trong nước đang nhắm tới…..

Thực ra, không phải đến bây giờ DN dược trong nước mới nhìn thấy cơ hội đầu tư vào lĩnh vực dược liệu. Ngay từ những năm đầu của thập niên 90, Công ty CP Dược phẩm OPC là tên tuổi tiên phong trong việc tìm kiếm đối tác là các hợp tác xã tại những vùng có điều kiện về thổ nhưỡng, khí hậu phù hợp để nuôi trồng dược liệu. Thời điểm đó, tại tỉnh Bắc Giang, OPC đã đặt vấn đề hợp tác trồng trọt và chế biến dược liệu với một số hợp tác xã nông nghiệp mà mục đích ban đầu chỉ nhằm đảm bảo nguồn dược liệu Kim tiền thảo. Nhưng ngay sau đó, nhận thấy tiềm năng kinh doanh dược liệu, OPC đã tìm giống, hợp tác với Bộ môn Thực vật - Trường đại học Y dược TP. HCM xác định tên dược liệu, nhân giống và trồng trọt nhiều loại dược liệu khác nhau trên một diện tích rộng lớn.


Cánh đồng trồng Kim Tiền Thảo liên kết kỹ thuật và bao tiêu với nông dân tại Bắc Giang
Sau hơn 20 năm phát triển vùng dược liệu, từ chỗ chỉ là vùng trồng trọt quy mô nhỏ, phương thức canh tác phân tán, đến nay, vùng nuôi trồng dược liệu của OPC tại Bắc Giang đã hoàn toàn “lột xác” với cách thức trồng trọt theo tiêu chí GACP - tiêu chuẩn thực hành tốt trồng trọt và thu hái dược liệu theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), cùng hệ thống hạ tầng đồng bộ, khép kín và máy móc, thiết bị được nhập khẩu theo công nghệ hiện đại, tiên tiến của thế giới.

Tuy nhiên, dù kinh doanh dược liệu là hướng đi đầy tiềm năng nhưng trên thực tế, không phải DN dược nào cũng đủ khả năng để phát triển riêng vùng dược liệu phục vụ nhu cầu sản xuất, chưa nói tới “dư dả” đem đi bán, hoặc xa hơn là xuất khẩu. Báo cáo mới đây tại Hội nghị xúc tiến đầu tư ứng dụng khoa học công nghệ phát triển sản xuất thuốc dược liệu cho thấy, Việt Nam vẫn phải nhập khẩu nguyên liệu để phục vụ việc sản xuất thuốc trong nước với tỷ lệ gần 90%. Tình trạng nuôi trồng và khai thác dược liệu còn tự phát, quy mô nhỏ dẫn đến sản lượng dược liệu không ổn định, giá cả biến động. Thậm chí, dược liệu không được sản xuất theo quy trình, quy hoạch cụ thể (trồng lẫn với vùng trồng lúa và hoa màu, kỹ thuật trồng và chăm sóc chủ yếu theo kinh nghiệm, việc sử dụng giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực phẩm, nguồn nước tưới… còn tuỳ tiện, thu hái dược liệu không tuân thủ theo mùa, vụ và tuổi của cây) làm ảnh hưởng tới chất lượng dược liệu, qua đó cũng ảnh hưởng đến chất lượng thuốc sản xuất từ dược liệu.

Theo ông Nguyễn Chí Linh, Tổng Giám Đốc OPC, khó khăn lớn nhất của các DN dược không chỉ ở nguồn lực dành cho phát triển các vùng dược liệu tập trung phục vụ cho sản xuất, mà còn ở ở khả năng áp dụng đúng mức thành tựu của khoa học, công nghệ vào việc hiện đại hóa sản xuất thuốc từ dược liệu.


Ông Linh dẫn chứng: "Có những công nghệ của OPC đầu tư phát triển theo lộ trình, phải kéo dài hàng chục năm, tốn kém tiền bạc và nhân lực. Ví dụ như công nghệ chiết xuất dược liệu, từ hệ thống nấu trần, OPC đã đầu tư hệ thống chiết xuất đa năng. Riêng công nghệ xử lý chế biến dược liệu, OPC phải trang bị các thiết bị xử lý chế biến đặc thù cho dược liệu như: máy thái, máy xay thô, máy cắt đoạn thái phiến đa kích thước.

Đặc biệt, công nghệ mới là máy sấy dược liệu bằng vi sóng. Về cô dược liệu, từ hệ thống cô trần cũ, OPC đã đầu tư hệ thống cô áp suất giảm, hệ thống cô chân không có ưu điểm là công suất cao, áp suất giảm, tiết kiệm năng lượng và bảo toàn được hoạt tính của cao dược liệu. Đây là những thiết bị hiện đại, rất “ngốn” tiền, không phải DN nào cũng đủ nguồn lực để đầu tư" - Ông Linh nói.

Chiến lược quốc gia phát triển ngành dược Việt Nam giai đoạn đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đặt ra mục tiêu cụ thể đến năm 2020 Việt Nam phấn đấu sản xuất được 20% nhu cầu nguyên liệu cho sản xuất thuốc trong nước, thuốc sản xuất trong nước chiếm 80% tổng giá trị thuốc tiêu thụ trong năm, trong đó thuốc từ dược liệu chiếm 30%. Từ nay đến năm 2020 là quãng thời gian dài, nhưng đầu tư cho phát triển dược liệu không phải một sớm một chiều. Nếu DN dược không có bước chạy đà tốt, không có sự khởi động ngay từ lúc này, rất có thể, bài toán nhập khẩu dược liệu vẫn dang dở và tiềm năng kinh doanh dược liệu còn là ẩn số

theo dõi

Bài đăng phổ biến

Được tạo bởi Blogger.

 

© 2013 Phát Triển Nguồn Dược Liệu Sạch Và Phong Phú Tại Việt Nam. All rights resevered. Designed by Templateism

Back To Top